Dịch vụ SMTP Server miễn phí nên dùng
SMTP Server (server dùng để gửi mail) là một dịch vụ cho phép gửi email với số lượng lớn, tốc độ nhanh mà không bị giới hạn như các hòm mail miễn phí của Gmail hoặc mail đi kèm hosting.
Ứng dụng của SMTP Server rất nhiều, bạn có thể dùng để gửi Email Marketing với Sendy, gửi thông báo notification trong WordPress, gửi nội dung đơn hàng cho khách hàng... nói chung mọi thao tác liên quan đến email đều cần đến SMTP Server.
Cá nhân mình thích sử dụng những dịch vụ SMTP Server bên ngoài, thứ nhất là giảm tải cho Web Hosting/Server do không phải kèm nhiệm vụ gửi mail nữa, thứ hai là do IP Shared Hosting hay bị black list do người dùng spam mail vô tội vạ nên mail gửi đi luôn bay vào mục Spam (bạn không spam mail nhưng người khác cùng sử dụng hosting gửi spam nên bị ảnh hưởng).
Một số nhà cung cấp chỉ có dịch vụ SMTP Server (hoặc gọi là transactional email), tuy nhiên cũng có nhà cung cấp hỗ trợ giải pháp toàn diện về email bằng cách bổ sung thêm dịch vụ Email Marketing.
Tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Email SMTP Serverhiện nay thông thường sẽ có gói miễn phí và gói trả phí. Gói Free sẽ bị giới hạn gửi mail theo tháng, gửi theo ngày hoặc giới hạn tính năng, trong khi gói trả phí sẽ thoải mái hơn. Tuỳ theo nhu cầu sử dụng mà các bạn hãy tham khảo gói Free và các gói nâng cấp trả phí để lựa chọn dịch vụ nha.
1. Gmail SMTP Server
Hiện này Gmail của Google đang là nhà cung cấp dịch vụ email miễn phí lớn nhất thế giới, điều này không còn gì phải bàn cãi rồi. Bên cạnh đó, Gmail cũng hỗ trợ người dùng gửi mail qua server SMTP miễn phí luôn.
Với tài khoản Gmail miễn phí, bạn chỉ có thể gửi được tối đa 500 mail (hoặc 500 địa chỉ email) mỗi 24 giờ. Giới hạn này cũng áp dụng với gói G Suite legacy miễn phí đang bán trên mạng. Tuy nhiên, với tài khoản G Suite trả phí bạn có thể gửi tới 2.000 mail trong 24 giờ, quá ngon.
Có 2 cách để sử dụng được SMTP Server của Gmail, đó là gửi qua Outgoing Mail (SMTP) Server: smtp.gmail.com
và Gmail API. Hôm trước mình có thử một lần thì thấy tốc độ gửi mail qua API ngon hơn rất nhiều so với việc kết nối qua server.smtp.gmail.com
Thông tin chi tiết sẽ được giới thiệu trong một bài viết khác.
Sử dụng Gmail SMTP Server nhanh, gọn, đơn giản, bạn không cần phải đăng ký thêm bất kì tài khoản nào khác ở đâu cả. Tuy nhiên, bạn không thể gửi mail alias hoặc mail tên miền riêng thông qua Gmail SMTP Server được.
2. MailJet
Mailjet là công ty con của Mailgun, vốn được rất nhiều tập đoàn lớn tin tưởng sử dụng. Mailjet cung cấp dịch vụ email tất cả trong một, từ Email Marketing cho đến Transaction Email và cả Transaction SMS nữa.
Gói miễn phí ở đây không cần phải có thẻ tín dụng, không có thời hạn sử dụng và cho phép gửi 6,000 mail miễn phí mỗi tháng, giới hạn 200 email/ngày. Nếu muốn sử dụng nhiều hơn bạn cần nâng cấp lên gói cao hơn, thấp nhất là BASIC có giá $8.69/tháng được gửi 30,000/tháng, không còn giới hạn ngày.
Tuy nhiên, khi dùng gói miễn phí ở đây nội dung email sẽ bị chèn thêm logo của Mailjet. Có thể dùng plugin WordPress chính thức của Mailjet để gửi mail. Xem bảng giá hiện tại ở đây.
3. SendGrid
SendGrid cũng là một cái tên rất nổi tiếng trên thế giới, cho phép bạn gửi 40,000 email FREE trong tháng đầu tiên, sau đó nếu sử dụng miễn phí thì sẽ giới hạn 100 email/ngày. Nếu vượt quá giới hạn này bạn sẽ phải nâng cấp lên gói Essentials với giá 14.95$/tháng để được gửi tới 100,000 email.
Tương tự Mailgun, SendGrid cũng hỗ trợ thống kê đầy đủ (open, click, delivery time…), có plugin cho WordPress và hỗ trợ dedicated IP giá rẻ hơn Mailgun. Xem bảng giá hiện tại ở đây.
4. Pepipost
Lúc mới xuất hiện Pepipost tung ra rất nhiều chương trình khuyến mại để tìm kiếm khách hàng mới. Sau đó theo thời gian họ cũng điều chỉnh lại bảng giá kinh doanh và chính sách gói miễn phí.
Hiện tại Pepipost cho phép gửi 30,000 email miễn phí tháng đầu tiên, những tháng tiếp theo bạn sẽ bị giới hạn 100 mail/ngày.
Để hỗ trợ sử dụng với WordPress, Pepipost cung cấp plugin WordPress chính thức để bạn có thể kết nối qua Pepipost API (không sử dụng thông tin SMTP Server). Xem bảng giá hiện tại ở đây.
5. SendinBlue
SendinBlue gói Free cho phép gửi 300 email miễn phí mỗi ngày, không giới hạn số lượng contact, có tracking và đặc biệt cung cấp thư viện email template để gửi Email Marketing chuyên nghiệp.
Với 25$/tháng gói Lite bạn được gửi tối đa tới 40,000 email/tháng và không bị giới hạn gửi mail ngày nữa. Ở đây cũng có plugin WordPress chính thức luôn. Xem bảng giá hiện tại ở đây.
6. Postmark
Postmark cũng là một thương hiệu nổi tiếng và được một số công ty nổi tiếng sử dụng. Bên này đã bỏ gói Free, thay vào đó là chính sách Free Trial chắc chỉ dùng để test hệ thống thôi vì nó giới hạn 100 mail / tháng.
Gói trả phí tiếp theo có giá 10$/tháng cho phép gửi tới 10,000 mail/tháng, không giới hạn ngày. Xem bảng giá hiện tại ở đây.
7. SendPulse
Xuất phát điểm với dịch vụ chính là Email Marketing, hiện nay SendPulse cung cấp rất nhiều giải pháp marketing khác nhau, gọi là Multi-Channel Marketing Platform.
SendPulse cho phép bạn gửi 12,000 email miễn phí với dịch vụ SMTP Server. Nếu vượt qua số này bạn sẽ phải nâng cấp lên gói cao hơn, 15$/tháng cho 10,000 email gửi đi với SMTP Server. Xem bảng giá hiện tại ở đây.
8. Mailgun
Mailgun không còn duy trì gói Free nữa, giờ bạn chỉ được 5.000 mail miễn phí 3 tháng đầu tiên, sau đó phí dịch vụ là $0.80/1.000 emails. Lí do Mailgun có trong danh sách này là vì Mailgun vẫn đang duy trì gói Free cho khách cũ từ trước, ngoài ra giá dịch vụ ở đây cũng rất dễ chịu.
Mailgun còn có dịch vụ validate email, cho phép kiểm tra địa chỉ email có lỗi hay không. Gói Free được phép check 100 địa chỉ mail/tháng, quá con số này bạn phải trả thêm tiền. Nếu dùng dịch vụ gửi mail SMTP Server thì không nhất thiết phải check.
Mailgun có thống kê tracking đầy đủ (open, click, delivery time…), hỗ trợ inbound routing, dedicated IP có plugin chính thức cho WordPress. Xem bảng giá hiện tại ở đây.
Tổng kết
Với những nhà cung cấp mình giới thiệu này hẳn bạn đã chọn được một cái tên phù hợp rồi chứ? Nếu biết thêm nhà cung cấp nào chất lượng, miễn phí nữa hoặc đơn giản muốn chia sẻ kinh nghiệm sử dụng, hãy để lại comment bên dưới nhé.
Users of Guest are not allowed to comment this article.